Ông Đào Xuân Lai – Trưởng phòng Biến đổi khí hậu và Môi trường, Trợ lý Trưởng đại diện thường trú UNDP phát biểu khai mạc hội thảo. |
Hội thảo là một trong những hoạt động quan trọng thuộc Dự án “Áp dụng hóa học xanh tại Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh và giảm thiểu việc sử dụng và giảm phát thải các hóa chất hữu cơ khó phân hủy và hóa chất nguy hại” do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ. Mục tiêu chính của Dự án là nhằm kiến tạo môi trường thuận lợi cho việc giới thiệu hóa học xanh và những ứng dụng hóa học xanh cho các ngành sản xuất tại Việt Nam nhằm giảm thiểu việc sử dụng, phát thải các hóa chất thuộc danh mục kiểm soát của Công ước Stockholm và Công ước Minamata.
Dự án đang hỗ trợ Công ty Cổ phần Sơn Nishu xây dựng lại hoàn toàn hệ thống sản xuất sơn theo cách tiếp cận hóa học xanh, để chứng minh tính hiệu quả của dự án trong việc giảm thiểu việc sử dụng POPs cũng như các hóa chất nguy hại khác. Đây là mô hình thí điểm và được kỳ vọng sẽ từng bước nhân rộng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đào Xuân Lai – Trưởng phòng Biến đổi khí hậu và Môi trường, Trợ lý Trưởng đại diện thường trú UNDP cho biết: Ngành công nghiệp hoá chất đã có các bước phát triển vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ngành Hóa chất cũng đã và đang đối mặt với những thách thức lớn về môi trường và yêu cầu cần có hướng đi mới trong phát triển, sản xuất, tiêu dùng, có trách nhiệm với người lao động, với người tiêu dùng, với xã hội, môi trường và trái đất hơn, để đảm bảo phát triển bền vững.
Hoá học xanh sẽ là một hướng đổi mới quan trọng để giúp chúng ta không gặp lại những sai lầm của quá khứ như việc phát minh và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật DDT, sử dụng hoác chất có chứa dioxin, thải bỏ thủy ngân, sử dụng chất CFC phá hủy tầng ozon…
Trên thực tế, việc áp dụng những nguyên lý thân thiện môi trường của hóa học xanh đã và đang góp phần giúp công nghiệp hoá chất đi theo hướng phát triển bền vững, mang lại những lợi ích tích cực cả về kinh tế, môi trường và xã hội cho nhân loại. Ngày càng nhiều công ty sản xuất hoá chất đã nhận thức được tầm quan trọng của hoá học xanh đối với sự phát triển bền vững cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Hóa học xanh hiện nay cũng chưa phải là một hoạt động bắt buộc, do vậy việc áp dụng, ứng dụng hóa học xanh trong sản xuất của các công ty, doanh nghiệp hiện nay cũng cần có sự cam kết và thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Ông Đặng Anh Tú – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sơn Nishu chia sẻ về quá trình áp dụng hóa học xanh trong quá trình sản xuất tại công ty. |
Chia sẻ về một số hoạt động về hóa học xanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, ông Đặng Anh Tú – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sơn Nishu cho biết: Với phương châm sản xuất “Sơn sạch cho không gian sống xanh” cùng với sự hỗ trợ của Dự án “Áp dụng hóa học xanh tại Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh và giảm thiểu việc sử dụng và giảm phát thải các hóa chất hữu cơ khó phân hủy và hóa chất nguy hại”, Công ty Cổ phần Sơn Nishu đang áp dụng vật tư, công nghệ hóa học xanh để sản xuất những sản phẩm sơn xanh – sạch hướng tới người tiêu dùng và bảo vệ sự bền vững của môi trường xanh.
Căn cứ theo yêu cầu của Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), Công ty Cổ phần Sơn Nishu đã kiểm định hàm lượng chì các sản phẩm sơn Nishu tại trung tâm thử nghiệm VINACOTROL nhận kết quả ngày 30/11/2020 với số liệu hàm lượng chì thấp hơn yêu cầu quy chuẩn của lộ trình 5 năm (hàm lượng chì trong sơn ≤ 90ppm).
Để có những sản phẩm xanh và thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), công ty đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo vệ sinh – an toàn – môi trường, cụ thể như: Giảm hàm lượng hợp chất hữu cơ dễ bay hơi trong sản phẩm sơn Nishu; Thực hiện sản xuất sạch hơn để giảm nguồn thải rắn và lỏng ra môi trường; Thu gom và xử lý các chất thải nguy hại theo đúng quy định của Nhà nước; Tăng dần các sản phẩm gốc nước thay thế các sản phẩm dung môi hữu cơ; Giảm hàm lượng chì dưới mức 90 PPM trong sản phẩm của Nishu; Từng bước đưa hóa học xanh vào chiến lược phát triển của công ty để xây dựng thương hiệu xanh trên thị trường…
“Chúng tôi mong muốn lan tỏa việc thực hiện các nguyên tắc của hóa học xanh với các nhà sản xuất, nhà cung cấp và người tiêu dùng sản phẩm của Nishu. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác để cùng chung sức bảo vệ môi trường và phát triển doanh nghiệp bền vững. Tôi mong rằng UNDP sẽ tiếp tục tài trợ không chỉ cho Nishu mà còn nhiều doanh nghiệp khác để tạo ra một ngành hàng xanh, đem lại lợi ích bền vững cho tất cả mọi người” – ông Đặng Anh Tú cho biết thêm.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo. |
Đối với chỉ số khí hậu doanh nghiệp và kinh doanh có trách nhiệm hướng đến phát triển bền vững, bà Sojin Jung - Chuyên gia hợp tác tư nhân về biến đổi khí hậu, UNDP Việt Nam chia sẻ: Chỉ số khí hậu doanh nghiệp (CBI) là một hệ thống đăng ký tự nguyện dựa trên web, được phát triển bởi UNDP cho các công ty tư nhân để đánh giá và ghi nhận đóng góp của họ để giảm phát thải khí nhà kính và giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu. CBI cũng có thể dùng để giải quyết nhu cầu nâng cao năng lực để hỗ trợ chuyển đổi hướng tới kinh doanh xanh và bền vững. Thông qua CBI, một hệ thống dữ liệu, báo cáo và đánh giá doanh nghiệp sẽ được xây dựng về nhận thức và hành động để chống lại biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
Cần có nhiều doanh nghiệp biết đến và tham gia Chỉ số CBI để nâng cao nhận thức và có những hành động thiết thực hướng tới phát triển bền vững. Đây cũng là công cụ tốt để các cơ quan quản lý Nhà nước đánh giá đúng thực trạng phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam, từ đó có các khuyến nghị xây dựng chính sách, góp phần giúp Việt Nam ngày càng phát triển được những mô hình kinh doanh xanh, tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng và xã hội, hướng tới tăng tưởng nhanh và bền vững.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và thu thập ý kiến đóng góp về các nhu cầu liên quan đến đào tạo về nâng cao nhận thức và áp dụng hóa học xanh tại các doanh nghiệp sơn - mực in. Đồng thời, trình bày một số thực trạng về hệ thống xử lý nước thải tại các doanh nghiệp sơn quy mô vừa và nhỏ. Qua đó, Câu lạc bộ Sơn và Mực in miền Bắc đã chia sẻ về quy trình xử lý nước thải công nghiệp và một số kinh nghiệm vận hành xử lý nước thải góp phần bảo vệ môi trường và phát triển doanh nghiệp bền vững.
Hóa học xanh được định nghĩa là “Sự thiết kế các sản phẩm hóa học và quá trình sản xuất nhằm giảm thiểu hoặc loại bỏ việc sử dụng và tạo ra các chất độc hại”.
Dựa trên định nghĩa bởi Ủy ban châu Âu, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) là một khái niệm mà theo đó các công ty tự nguyện đóng góp cho một xã hội tốt hơn và một môi trường sạch hơn. Theo cách hiểu này, các công ty cần tích hợp các mối quan tâm về xã hội, môi trường, quyền con người, đạo đức kinh doanh trong hoạt động kinh doanh và trong tương tác với các bên liên quan của họ trên cơ sở tự nguyện.
Cách tiếp cận hóa học xanh đã được chuẩn hóa theo 12 nguyên tắc chung: Ngăn chặn chất thải; Tối đa hóa kinh tế nguyên tử; Phương pháp tổng hợp hóa học ít nguy hại; Thiết kế hóa chất và sản phẩm an toàn hơn; Sử dụng dung môi và điều kiện phản ứng an toàn hơn; Sử dụng năng lượng hiệu quả; Sử dụng nguyên liệu tái sinh; Giảm thiểu các dẫn xuất; Sử dụng xúc tác ở mức cao hơn so với đương lượng các chất phản ứng; Hóa chất và sản phẩm có thể phân hủy sau khi sử dụng; Phân tích thời gian hữu ích để ngăn ngừa ô nhiễm; Giảm thiểu các sự cố.
Nguồn: https://baoxaydung.com.vn